Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2010

“Fan Hà Lan nên ủng hộ Tây Ban Nha vô địch”



Viết trước trận chung kết

Tác giả Brian Phillips viết như vậy trên một bài báo mang tên “Sự thoái hóa của đội bóng da cam”, bài báo được đọc nhiều nhất trên tờ Slate trong suốt mấy ngày qua.

Fan quay lưng, thầy quay mặt

“Giấc mơ của hàng triệu fan bóng đá Hà Lan đang bay trên những thành công của đội tuyển. Nhưng với tư cách cá nhân, tôi muốn đội bóng Hà Lan thất bại. Các fan bóng đá nên ủng hộ Hà Lan thua Tây Ban Nha.”

Brian Phillips là ai? Một cổ động viên của đội Tây Ban Nha chăng, hay một kẻ cá độ chuyên nghiệp đã đặt tất tay vào cửa Bò tót trong trận chiến đêm nay?

Không, rất tiếc, đây là câu kết của bài báo mà anh viết: “Tại sao tôi muốn Tây Ban Nha thắng đêm Chủ nhật này ư? Không phải bởi vì tôi không yêu Hà Lan, mà bởi tôi yêu đội bóng ấy và lịch sử của nó quá nhiều.”

12 tiếng trước trận chung kết định mệnh, có tới 1611 người thích bài báo của Phillips và 170 bình luận về bài báo, một con số rất lớn nếu bạn biết rằng Slate là một tạp chí văn hóa và chính trị của Mỹ, một đất nước không cuồng nhiệt với bóng đá. Lật trang Thể thao của New York Times những ngày này, bạn vẫn chỉ thấy toàn… bóng rổ.

Brian Phillips, một fan nhiệt thành nhất của bóng đá tổng lực Hà Lan đã quay mặt lại với đội bóng mà anh yêu. Không quá khó hiểu đâu nếu bạn biết rằng ngay cả chính huyền thoại bóng đá Hà Lan Johan Cruyff cũng đã làm như thế khi công khai tuyên bố: “Tôi sẽ rất vui nếu Tây Ban Nha vô địch. Là người Hà Lan nhưng tôi sẽ bảo vệ lối chơi của Tây Ban Nha.”

Cũng dễ hiểu thôi, người ta “quay lưng, quay mặt” bởi Hà Lan đã không còn giữ được bản sắc bóng đá tấn công đầy hiến dâng của mình nữa. Ngược lại, Tây Ban Nha bây giờ mới lại là đội bóng kế thừa truyền thống ấy của chính người Hà Lan.

Cái đèm đẹp và cái đẹp

Bóng đá tổng lực (total football) của Hà Lan ngày xưa ấy đâu rồi? Hãy nghe những hoài niệm về nó: “Bóng đá tổng lực là thứ bóng đá mãnh liệt và tự do nhất, các cầu thủ hoán đổi vị trí khắp sân, chạy vào các khoảng trống, toàn bộ đội hình được tái tổ chức nhanh và thích nghi liên tục như những người đang bay trên sân cỏ. Kết hợp với một hàng thủ luôn dâng rất cao để hạn chế không gian và bẫy việt vị đối phương, bóng đá tổng lực tạo ra một phong cách tấn công không ngừng nghỉ, gây phấn khích tột cùng cho người xem.”

Còn đây là thứ bóng đá tiki-taka mà người Tây Ban Nha đang chơi: “chuyền bóng liên tục, kiên nhẫn cầm bóng để kiến tạo lối chơi, liên tục gây sức ép lên hàng thủ đối phương.”

Không hoàn toàn là bóng đá tổng lực nhưng tiki-taka là lối chơi gần nhất với bóng đá tổng lực trong thời hiện đại, gen bóng đá Hà Lan đã chuyển sang Tây Ban Nha sau 8 năm cầm quyền của Cruyff ở Barcelona, CLB góp mặt tới 7 cầu thủ trong đội hình Tây Ban Nha trận Bán kết vừa rồi.

Thánh Johan nói trước trận chung kết: “Tây Ban Nha là phiên bản của Barca, là thông điệp tuyệt vời nhất của bóng đá. Giờ mọi đội bóng đều muốn giống như Tây Ban Nha.” Còn HLV Argentina huyền thoại phát biểu thậm chí còn ngay trước khi World Cup diễn ra: “Tây Ban Nha là đội bóng gần nhất với cái đẹp.”

So với Tây Ban Nha, Hà Lan giờ đây chỉ còn là cái đèm đẹp, chỉ thấy những khoảnh khắc loé sáng chết người chứ không còn ánh mặt trời lung linh như ngày nào. Ở một nơi nào khác, cổ động viên sẽ quan tâm tới chiến thắng cho dù lối chơi có thế nào đi nữa. Ở Hà Lan lại khác. Đừng quên triết lý mà Cruyff đã ghi dấu lên Hà Lan: “Thà thua 9-10 còn hơn thắng 1-0” và “không có huy chương nào đáng được vinh danh bằng lối chơi đẹp của đội bóng.”

“Cái đèm đẹp đang giết chết cái đẹp”, nhà thơ Trần Dần nói vậy. Điều ấy đúng với đội Hà Lan. Cái đẹp của quá khứ không mang tới cho Hà Lan chiến thắng cuối cùng ở sân chơi World Cup, nhưng lối đá tinh quái hiện nay đang giúp họ thắng liên tục và có cơ hội lần đầu đăng quang. Cái đèm đẹp đang được đội bóng của HLV Bert van Marwijk biện minh cho sự hi sinh cái đẹp.

Vượt qua lịch sử bằng lịch sử

Vậy nên, trận chung kết đêm nay ở Nam Phi sẽ mang tính định mệnh, đó không chỉ là trận đấu giữa hai anh chàng “học tài thi phận” Hà Lan và Tây Ban Nha mà còn là cuộc đấu giữa Hà Lan và lịch sử của chính nó.

Nếu thua bằng lối chơi phản công tinh quái, Hà Lan sẽ mang tiếng là kẻ thất trận bởi “nhút nhát” không dám “dâng hiến” như cha anh họ từng thể hiện. Còn nếu thắng bằng lối chơi rình rập ấy trước một Tây Ban Nha rực lửa tấn công, trớ trêu thay, Hà Lan lại đang vô nghĩa hóa và phủ nhận chính bản sắc cha anh họ, bởi Tây Ban Nha đang là hiện thân của bản sắc Hà Lan trong quá khứ.

Hà Lan chỉ có một con đường mà thôi, đó là thắng cách biệt Tây Ban Nha bằng thứ bóng đá tấn công đích thực. Điều ấy không dễ xảy ra trong một trận chung kết mà người Hà Lan buộc phải toan tính, càng không dễ trước một Tây Ban Nha quá mạnh với sự hẫu thuẫn của lời nguyền “thầy” bạch tuộc Paul.

Không dễ nhưng người hâm mộ Hà Lan vẫn tin, họ sẽ không ủng hộ Tây Ban Nha như lời khuyên cực đoan của tác giả Brian Phillips, họ sẽ ủng hộ Hà Lan chiến thắng đối thủ bằng cách chiến thắng chính bản thân mình, ủng hộ Hà Lan thoát khỏi bóng ma thành tích đen đủi ở World Cup trong quá khứ bằng chính quá khứ tấn công tổng lực chói sáng của họ.

Hà Lan phải vượt qua lịch sử bằng chính lịch sử. Còn nếu Hà Lan thua, cũng đừng quá buồn bởi lịch sử của họ đã thắng.

Khánh Duy

Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2010

Bài học tinh thần chức nghiệp từ sự kiện Toyota


Việt Nam vẫn chưa có được một ý thức chức nghiệp mạnh mẽ làm nền tảng cho việc xây dựng nền kinh tế thịnh vượng.

Ý thức sứ mệnh

Toyota vừa tuyên bố đợt thu hồi xe lớn nhất trong lịch sử từ 21/1, hơn 9 triệu chiếc xe trên toàn thế giới bị thu hồi do lỗi dính chân ga.

Cuối năm ngoái, hãng này cũng đã phải thu hồi khoảng 5 triệu chiếc vì một lý do lãng xẹt: tấm thảm lót xe làm chân ga bị kẹt.

Họa vô đơn chí, đợt thu hồi xe đầu năm 2010 này còn đang rối ren thì Toyota đã lại đối mặt với cáo buộc về chất lượng phanh dòng xe mới Prius 2010.

Quay trở lại lịch sử và triết lý kinh doanh của hãng Toyota mới thấy có điều bất thường, bởi lẽ Toyota vốn là một tập đoàn đã khẳng định tên tuổi nhờ đặt chất lượng xe và khách hàng lên hàng đầu.

Nhắc tới Toyota là nhắc tới 14 phương thức Toyota hay nói cách khác là 14 nguyên tắc quản trị nổi tiếng đã khiến cho cái tên Toyota không chỉ là xe ô tô mà còn trở thành nguyên lý quản trị.

Nguyên lý số 1 trong 14 nguyên lý Toyota là: “Ra các quyết định quản lý dựa trên một triết lý dài hạn, dù phải hi sinh những lợi ích ngắn hạn.” Diễn giải cụ thể ra là mục tiêu cao nhất của doanh nghiệp là hoàn thành sứ mệnh của nó hơn là đơn thuần kiếm tiền.

Tác giả Jeffrey Liker viết trong cuốn The Toyota way: “Có một điều nổi bật qua những lần tôi đến tham quan công ty này ở Nhật Bản và Mỹ, từ bộ phận kỹ thuật, thu mua vật tư đến sản xuất. Ở từng nhân viên mà tôi tiếp chuyện toát lên một tinh thần vì một sứ mệnh cao cả hơn là làm công ăn lương đơn thuần.”

Sứ mệnh ấy là sản xuất ra những chiếc xe hơi tốt nhất, Toyota ý thức được sứ mệnh đó trong lịch sử tồn tại của mình.

Tinh thần chức nghiệp


Nói tới những thuật ngữ như sứ mệnh, đa phần người Việt Nam cảm thấy cao siêu, mang tính hô hào, sáo rỗng và hình thức, một phần rất lớn người Việt vẫn coi mục tiêu của kinh doanh là việc tối đa hóa lợi nhuận.

Tư duy như vậy khiến nhiều người không hiểu được trọn vẹn bản chất của chủ nghĩa tư bản ở những khu vực phát triển như Châu Âu, Mỹ, Nhật cũng như quá trình vận hành doanh nghiệp của họ…

Lợi nhuận và vòng quay của đồng tiền chỉ như dòng máu nuôi cơ thể, lượng máu dồi dào thì cơ thể khỏe mạnh nhưng cơ thể không tồn tại vì dòng máu. Doanh nghiệp cũng không tồn tại vì đồng tiền mà tồn tại để thực hiện chức năng xã hội của nó, trong đó tiền chỉ là phương tiện.

Max Weber (1864-1920), nhà xã hội học nổi tiếng người Đức, đã khái quát quan điểm này bằng một khái niệm mà ông gọi là Thiên chức. Kinh doanh là thiên chức, là bổn phận của nhà kinh doanh và họ phải thực hiện điều đó với sự tận tâm, chuyên cần, tiết kiệm hay thậm chí khổ hạnh. Doanh nghiệp ra đời để sản xuất ra hàng hóa cho xã hội chứ không phải để chạy theo máu tham tiền.

Peter Drucker, cha đẻ của quản trị kinh doanh hiện đại, tiếp tục khẳng định quan điểm này khi cho rằng: lợi nhuận không phải là mục tiêu mà chỉ là điều kiện để doanh nghiệp tồn tại, là phương tiện để duy trì và phát triển công ty.

Doanh nhân ý thức được tinh thần chức nghiệp này của mình sẽ lao động và sản xuất với sự duy lý, trung thực, đức hạnh và cần kiệm. Điều này phù hợp với quan niệm và lối sống của những người theo đạo Tin lành nên theo Weber, chủ nghĩa tư bản ở Châu Âu hình thành vững chắc chính nhờ đạo đức Tin lành.

Những tập đoàn kinh tế hùng mạnh ở Nhật Bản cũng hình thành trên nền tảng văn hóa và tính cách Nhật Bản. Đó là tinh thần võ sĩ đạo, vững chãi kiên cường, cần mẫn nỗ lực, thanh bần tích sản, cần kiệm giản dị… Các tập đoàn lớn như Toyota, Honda, Suzuki, Yamaha đều cất bước từ vùng Mikawa, tỉnh Aichi, nơi nổi tiếng với tập quán tư duy samurai như vậy.

CNTB hình thành trên ý thức mạnh mẽ về sứ mệnh và thiên chức là thứ CNTB duy lý, khác hẳn với CNTB phiêu lưu (kinh doanh dựa trên máu liều lĩnh, thích làm anh hùng), CNTB đầu cơ (kinh doanh dựa trên việc mua rẻ bán đắt) và CNTB thân hữu (kinh doanh dựa vào các mối quan hệ chính trị).

Việt Nam vẫn thiếu ý thức chức nghiệp

Ở Việt Nam, ý thức sứ mệnh và tinh thần chức nghiệp còn yếu và mới chỉ tồn tại trong một bộ phận rất nhỏ doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chạy theo những kiểu CNTB phiêu lưu, đầu cơ và thân hữu.

Trở lại với quyết định quyết định thu hồi lớn nhất trong lịch sử của Toyota. Quyết định này đã khiến công ty mất đứt 2 tỉ đôla. Ông Akio Toyoda, chủ tịch tập đoàn đã cúi rạp đầu xin lỗi khách hàng hôm 5 tháng 2: “Tôi rất xin lỗi vì đã gây lo lắng cho nhiều người như vậy. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để lấy lại niềm tin của khách hàng.”

Vị chủ tịch tập đoàn lừng danh, cháu nội của người sáng lập Toyota, phải cúi rạp đầu xin lỗi khách hàng như vậy cho thấy phần nào tinh thần khiêm cung, tận tụy. Ở nhiều nước văn minh như Nhật, vẫn hay thấy các doanh nhân, chính khách khi mắc khuyết điểm đã công khai xin lỗi và bồi hoàn cho người bị ảnh hưởng, thể hiện ý thức trách nhiệm và tinh thần chức nghiệp.

Ở Việt Nam, những lời xin lỗi và khoản bồi thường như vậy còn ít từ phía doanh nghiệp, từ phía công chức, lại càng hi hữu hơn; trong khi đó có không ít sản phẩm của doanh nghiệp và chính sách của cơ quan công quyền đã gây tổn hại cho dân. Có một số nguyên nhân nhưng trong đó phải kể tới việc thiếu ý thức chức nghiệp trong tâm lý người Việt.

Không chỉ doanh nghiệp, các lĩnh vực nghề nghiệp khác cũng có một tinh thần chức nghiệp như vậy. Nghiệp của bác sỹ là chữa bệnh, nhà báo là đưa tin, giáo viên là dạy học, viên chức công quyền là phục vụ nhân dân…

Thiếu vắng một tinh thần chức nghiệp sẽ khiến tất cả nghĩ rằng mọi nghề nghiệp chỉ là cần câu cơm và cơ hội để vơ vét…

Thiết vắng một tinh thần chức nghiệp cũng đi kèm với sự cẩu thả, vô trách nhiệm, lãng phí, manh mún, lười biếng và dễ bỏ cuộc…

Thiếu vắng một tinh thần chức nghiệp sẽ rất khó cho Việt Nam trong việc xây dựng một nền kinh tế với các tập đoàn hùng mạnh như nước Nhật đã từng làm được với những tập đoàn như Toyota của họ.

Khánh Duy

“Anh Đại sứ” của phở bò và bún chả (Kỳ II)




Giờ đây, Saadi đã là một Đại sứ luôn mặc bộ veston lịch sự và đi trên chiếc xe màu sữa rất sang trọng có cắm cờ Palestine. Nhưng tôi biết rằng Saadi không hề thay đổi so với ngày xưa, khi còn là cậu sinh viên thời bao cấp, “phải đi bằng xe đạp để hoà với nhân dân Việt Nam, chấp nhận một cuộc sống vất vả để thấu hiểu và cảm thông với dân tộc ấy.”


Việt Nam dưới con mắt “Anh Đại sứ”


Những năm 1980 khi Saadi tới Việt Nam học tập, đất nước đang trong giai đoạn suy thoái và cấm vận nặng nề. Cậu sinh viên Saadi đã băn khoăn tự hỏi: “Tôi rất cảm động khi nhớ lại giai đoạn ấy, tại sao một dân tộc đã đấu tranh giành độc lập tự do lại phải sống trong tình trạng cô lập và khó khăn như vậy?”

Saadi hài hước kể lại những khó khăn của sinh viên nước ngoài ngày ấy: “Tôi nhớ thường sáng từ 4h đến 7h, chiều từ 3h đến 8h mới có điện, có điện thì mới bơm nước tắm rửa. Một lần 10 ngày liền không có điện, có nước nên không tắm rửa được, sinh viên nước ngoài bức bối khó chịu quá, phải chờ trời mưa để tắm mưa.”

Tôi yêu cầu Saadi vẽ hai bức tranh tương phản của một Việt Nam trước và sau Đổi mới. Anh phác ra vài nét bút chân phương: “Này nhé, ngày xưa người Việt Nam ai cũng mang cặp lồng để ăn trưa ở cơ quan, nhà hàng vắng tanh vắng ngắt, bây giờ, nhân viên công sở toàn ăn ở nhà hàng, nơi đâu người ta cũng “nhậu”. Những năm 80, đa số người già người trẻ hút thuốc lào, giờ đây ít thấy người Việt Nam hút thuốc lào. Ngày xưa, phụ nữ Việt Nam chỉ mặc áo trắng, quần lụa đen và đi guốc gỗ; đàn ông, áo trắng, quần ca ki, dép cao su. Bây giờ ai ai cũng ăn mặc sặc sỡ và hiện đại như phương Tây. Việt Nam dễ thay đổi và hoà hợp thật.”

“Ngoài chuyện ăn chuyện mặc ra, thì còn gì thay đổi không?” Tôi hỏi Saadi. Anh tiếp tục diễn thuyết: “Nhiều lắm, trước đổi mới, không có nổi một thang máy nào ở Việt Nam, giờ đây biết bao toà nhà xây cao tầng mọc lên có thang máy. Những năm 1980, cả thành phố Hà Nội chỉ có một trạm bán xăng ở phố Tôn Đức Thắng, bây giờ thì trạm xăng dầu ở khắp nơi. Ngày đó, chỉ quân đội và cơ quan nhà nước mới có xe hơi, xe máy cũng rất ít, ai có xe máy thuộc giai cấp quý tộc rồi. Giờ đây, ô tô xe máy chạy đầy đường.”

“À, hôm trước, tôi cho các con đi Big C, tôi không đi được vì người đông như kiến. Người Việt thu nhập cao nên mới có khả năng tiêu dùng như vậy. Ai cũng tay sách nách mang, hối hả mua sắp, người như làn sóng. Trong khi đó tôi nhớ ngày xưa, Bách Hoá Tổng Hợp ở Việt Nam không có gì, chỉ thấy Quần áo lao động và giấy vệ sinh.”

Tôi bật cười trước so sánh ngỗ nghĩnh giữa Big C và Bách Hóa Tổng Hợp của Saadi. Anh đã rất hiểu Việt Nam và phải sống rất sâu trong lòng nó để nhận ra sự biến mất của cặp lồng, thuốc lào và cả những Bách Hóa Tổng Hợp.

Khát khao hoà bình

Việt Nam đã thay đổi và phát triển nhiều trong 17 năm Saadi không có ở đây. Những ngày mới tới Việt Nam cuối năm ngoái, Saadi tâm sự rằng Anh “không muốn ngủ, chỉ muốn mở mắt để đi ra ngoài ngó nghiêng mọi thứ, xem những gì ngày xưa giờ đã ra sao.” Anh nói về sự thay đổi ấy với một sự hồ hởi, vui thích và nhiều cảm hứng.

Bỗng nhiên, anh đột ngột chuyển chủ đề: “Tôi muốn nói thêm về tầm quan trọng của Hoà bình.” Tôi nhắc anh rằng cuộc nói chuyện ngày hôm nay sẽ không đề cập tới mọi vấn đề về chính trị và xung đột ở Trung Đông, tôi chỉ muốn viết về anh với tư cách một con người.

Saadi trả lời tôi: “Tôi chỉ muốn nói rằng nhìn những thành tựu của Việt Nam, tôi lại nhớ tới những người Palestine đang phải sống trong các vùng đất bị chiếm đóng, trong các trại tị nạn ở các quốc gia láng giềng. Họ đã phải sống như thế hơn 60 năm qua và luôn khao khát có đuợc một tổ quốc thanh bình để quay trở về. Nhờ có hoà bình, Việt Nam mới phát triển được như vậy, vì thế, tôi hi vọng một ngày nào đó Palestine cũng có được một nền hoà bình như thế, có một nhà nước độc lập bên cạnh nhà nước Israel. Khi ấy, giới trẻ Palestine sẽ xây dựng một quốc gia giàu mạnh như các bạn đã làm với dân tộc mình.”

Tôi thoáng thấy một nỗi buồn trong mắt Saadi khi anh nói câu ấy. Saadi bỗng hơi chùng xuống và một luồng giao cảm rất con người cho tôi nhận thấy nỗi buồn ấy là có thật chứ không phải một cách nói ngoại giao. Saadi nói tiếp: “Việt Nam là tấm gương cho nhiều dân tộc trên con đường tìm kiếm hoà bình, với đa số người dân Palestine, hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có sức khích lệ rất lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc. Rất nhiều người Palestine đặt tên con theo tên Đại tướng, ở Palestine có lệ khi quý trọng ai thì đặt tên con theo tên người ấy. Bạn cứ đến Palestine mà xem, nếu bạn nói là người Việt Nam thì người dân sẽ mời bạn vào nhà và tiếp đãi như thượng khách.”

Bún chả và phở bò

Saadi đã nói đúng, tôi từng gặp những người Palestine ngay trên dải đất Trung Đông và chứng kiến sự nhiệt tình của họ khi nghe thấy hai tiếng Việt Nam. Cuộc xung đột trên quê hương anh sẽ còn là một câu chuyện dài và buồn, chưa biết bao giờ mới kết thúc. Tôi kéo anh trở về câu chuyện vui hơn, những thay đổi của Việt Nam hậu Đổi mới.

“Anh nói về nhiều thay đổi trên đất nước Việt Nam. Thế anh thấy có gì còn giữ nguyên không?” “Có chứ, truyền thống vẫn còn đó, bún chả và phở bò. Tôi mê bún chả lắm vì ở đó có tất cả những đặc trưng của ẩm thực Việt Nam như nước mắm, giấm, thịt nướng, tỏi, rau thơm. Tôi cũng hâm mộ Phở vì món ăn đó rất lành mạnh, không có mỡ, có lợi cho sức khoẻ, ăn vào không bị đau dạ dày.”

Saadi sành quá. Có lẽ anh là vị Đại sứ duy nhất ở Việt Nam không chỉ biết nấu nhiều món ăn truyền thống Việt Nam mà còn biết pha nước mắm. Anh vẫn tự tay pha nó cho mình và khách quý trong những bữa ăn. Saadi sành tới mức biết phải ăn phở ở Nam Ngư và bún chả ở Sinh Từ. Về khoản ẩm thực này, Sadi chắc chắn là một người Hà Nội.

Tôi định hỏi Saadi nhiều hơn nữa, về tôn giáo của anh, về quan niệm chính trị “dân chủ xã hội” mà anh coi trọng, về nền cuộc xung đột còn dang dở trên quê hương Anh. Nhưng đêm đã về khuya và tôi quyết định để dành tất cả những câu hỏi ấy trong lần gặp tiếp theo với Saadi. Có lẽ tôi sẽ mời anh đi ăn phở ở Bát Đàn hoặc bún chả ở Hàng Mành cũng được, Saadi đủ gần gũi để một người Việt bình thường có thể mời anh như thế.

Khi tôi ra ngoài thì trời đã tạnh mưa, nhưng yên xe của tôi bị ướt. Sadi vội vã chạy vào nhà lấy một tập giấy ăn đưa cho tôi lau yên xe. Hành động ấy của một vị Đại sứ sẽ làm cho bất kỳ ai cũng sẽ phải xúc động, và tôi không phải ngoại lệ. Sadi đã vượt qua hết những nghi thức ngoại giao, thứ bậc trên dưới, rào cản sắc tộc để đến với Việt Nam và ứng xử với những con người bình dị trên quê hương ấy một cách bình đẳng và thân thiết như giữa những người bạn…

Khánh Duy

“Anh Đại sứ” của Phở bò và Bún chả (Kỳ I)


Tôi không gọi Saadi Salama là Ngài Đại sứ, Ông Đại sứ mà gọi bằng Anh, “Anh Đại sứ”. Cách gọi ấy có vẻ như thiếu sự nghiêm túc và trang trọng cần thiết khi giao thiệp với một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Chỉ có điều, đối với tôi và tôi tin rằng với đa số những người Việt khác nữa, chữ Anh mới thực sự là từ thích hợp để gọi Saadi…

Tôi không cảm thấy khoảng cách quyền lực để phải gọi Saadi bằng Ông và cũng không cảm thấy khoảng cách ngoại giao để gọi bằng Ngài. Với Saadi, tôi không thấy có khoảng cách nào hết, ngay cả khoảng cách giữa hai con người không cùng chung quốc tịch. Ở Saadi, chỉ có sự thân tình và gần gũi, sự thấu cảm và hiểu biết, những điều ấy trong anh đủ mạnh để xóa nhòa mọi ranh giới khác biệt và cả đường biên giới giữa hai quốc gia.

Sự trở về của một “Anh Đại sứ”

Mà thực ra, tôi nghĩ rằng giữa Saadi và Việt Nam không có đường biên giới nào hết, anh đã và vẫn đang là một người con Việt Nam từ cái ngày đầu tiên vào năm 1980 khi anh tới Hà Nội để bắt đầu theo học đại học về lịch sử và tiếng Việt tại Việt Nam. 12 năm tuổi trẻ của anh, từ 1980 tới 1992, anh đã dành cho Hà Nội. Vì thế, với bất kỳ vị Đại sứ nào khác rời quê hương họ để tới Việt Nam, đó sẽ là sự ra đi, nhưng với Saadi, được bổ nhiệm làm Đại sứ Palestine tại Việt Nam vào tháng 9 năm ngoái, lại là một sự trở về.

Sadi trở về sau 17 năm bôn ba làm công tác ngoại giao ở nhiều quốc gia Châu Á, Trung Đông và Châu Phi xa xôi, Thời gian thật dài và không gian thật xa nhưng sự gần gũi giữa Saadi với Việt Nam không hề mất đi. 12 năm ở Hà Nội và tình yêu với một cô gái Việt Nam sau này trở thành vợ anh đã khiến Saadi mang trọn vẹn trong lòng một mảnh hồn Hà Nội, Việt Nam đã là một quê hương thứ hai của Saadi.

Quê hương thứ hai ấy cho Saadi một thứ đầu tiên quý giá, đó là tiếng Việt. Tôi đón Saadi đến thăm cơ quan và tôi bị bất ngờ ngay ở những giây phút đầu tiên gặp Anh. Sau vài câu tiếng Anh rất chuẩn mực, Saadi đột ngột chuyển sang nói một thứ tiếng Việt thậm chí còn chuẩn mực hơn, một thứ tiếng Việt rất sành sõi, rõ ràng và tinh tế.

Tiếng Việt và sự cởi mở của anh đã tạo ra một thiện cảm lớn với bất kỳ ai khi tiếp xúc. Tôi thoải mái hẹn gặp anh bằng cách gọi điện trực tiếp và thậm chí cả nhắn tín. Bỏ qua hết những thủ tục ngoại giao, công văn, thư mời hoặc phải qua mấy tầng thư ký, tôi hẹn đến gặp anh tại nhà riêng ở phố Lê Phụng Hiểu. Trên đường tới, tôi ngạc nhiên khi thấy anh nhắn tin: “Bạn thân mến, khi nào đến thì gọi cho tôi nhé.”

Saadi vồn vã mang trà Palestine và bánh chà là của đất nước anh ra mời tôi thưởng thức. Ngoài cửa sổ, trời đã bắt đầu đổ mưa rào rào. Nhưng trong căn biệt thự kiểu Pháp ấm cúng của anh bên tách trà nóng, câu chuyện bỗng trở nên hết sức thân mật. Qua những chia sẻ của Saadi, tôi mới hiểu sự thân mật ấy của anh với người Việt Nam và đất nước Việt Nam bắt nguồn từ những ký ức và kỷ niệm thậm chí còn xa hơn thời điểm 1980, khi anh bắt đầu tới học ở Hà Nội.

“Gần gũi về tình cảm”


Đó là giai đoạn nổ ra cuộc chiến Trung Đông năm 1967, khi cậu bé 5 tuổi Saadi đứng trên nhà của mình ở thành phố Hebron, Palestine nhìn xuống thấy quân đội chiếm đóng của Israel bước vào thành phố. Chính xác là ngày 06/06/1967, Saadi linh cảm cuộc đời mình và cả dân tộc Palestine sẽ rẽ theo một hướng khác, hoà bình sẽ là một viễn tượng.

Sự thiếu thốn hòa bình và ổn định trên quê hương mình đã làm cho cậu bé Saadi dù còn ít tuổi đã quan tâm tới tình hình thời sự của những dân tộc khác có chung hoàn cảnh. Việt Nam ngày ấy đương nhiên là mối quan tâm hàng đầu của Saadi. Anh kể lại rằng từ năm 1968 đã quan tâm tới chiến dịch Mậu Thân của quân đội giải phóng miền Nam Việt Nam. Đến năm 1972, anh thường xuyên theo dõi các diễn biến chiến sự ở Việt Nam trên báo chí.

Saadi nhớ lại: “Tôi luôn coi chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của Tự do và Chính nghĩa, hình ảnh của du kích Việt Nam luôn khắc sâu trong tâm trí tôi, đặc biệt là thời khắc xe tăng húc đổ cổng Dinh độc lập vào năm 1975. Hai quốc gia chúng ta dù xa về địa lý nhưng lại rất gần gũi về tình cảm.”

Sự “gần gũi về tình cảm” với đất nước có chung nỗi đau chiến tranh Việt Nam đã dẫn Saadi vào con đường tới Việt Nam. Thay vì chọn những quốc gia phát triển hơn là Ý và Rumani dù có cơ hội, anh lại tới Việt Nam theo chương trình trao đổi lưu học sinh giữa hai nước năm 1980.

Cũng sự “gần gũi về tình cảm” ấy lại dẫn Saadi tới một sự “gần gũi về tình cảm” khác. Anh đã đem lòng yêu một cô gái Việt Nam khi bất chợt “gặp một cô gái xinh đẹp và dịu dàng ở thư viện gần Nhà thờ lớn, tôi đã cố gắng bắt chuyện để trao đổi về ngôn ngữ… Ban đầu, cô ấy cũng ko muốn nói chuyện với tôi vì thời điểm đó, việc quan hệ với một người nước ngoài ở Việt Nam là rất nhạy cảm. Nhưng xuất phát từ sự tự tin rằng tôi là người bạn của Việt Nam, tôi mạnh dạn quyết định sẽ làm thân với cô ấy mà không ngại bị hiểu lầm.”

Saadi đã tiếp tục nỗ lực nhưng cô gái vẫn dè dặt và bố mẹ cô ấy cũng không đồng ý. Cô gái vốn sinh ra trong một gia đình truyền thống Việt Nam có truyền thống Cách mạng nên tư duy và cách sống rất nghiêm túc. Sadi phải “bày tỏ sự nghiêm chỉnh” bằng cách “báo cáo” với Uỷ ban đoàn kết Á Phi và Ban đối ngoại, các cơ quan này đã hiểu và thông cảm với tình cảm chân thành của cậu sinh viên Palestine trẻ. Tình yêu cuối cùng đã lớn lên và chiến thắng những định kiến còn nặng nề thời bấy giờ. Cuộc hôn nhân hai quốc tịch đã thành vào ngày 27/07/1983.

Giờ đây, cô gái mà Saadi gặp trong thư viện thời còn sinh viên đã trở thành mẹ của 4 đứa con đã trưởng thành. “Hai cháu đầu sinh ở Lào, cháu thứ ba sinh ở Palestine và đến cháu thứ tư thì chúng tôi quyết định phải sinh ở Việt Nam.” Saadi kể lại một cách rất tự hào.

17 năm xa cách Việt Nam về địa lý, nhưng đi bên anh luôn có một người vợ Việt và 4 đứa con mang một nửa dòng máu Lạc Hồng, tôi biết rằng Sadi chưa bao giờ thực sự rời xa Việt Nam về tình cảm. Với Sadi, Việt Nam đã trở thành một phần của tâm hồn anh, tình cảm với Việt Nam đã trở thành máu thịt của Anh chứ không chỉ đơn thuần là “sự gần gũi về tình cảm” khi cậu bé lên mười theo dõi từng bước đi của quân giải phóng miền Nam Việt Nam trên các tờ báo mỗi ngày…

Khánh Duy (còn tiếp Kỳ II, trang sau)