Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2009

Thành công: câu chuyện của các cơ hội?

Cuốn sách mới nhất của tác giả non-fiction hàng đầu nước Mỹ Malcom Gladwell có tên: Outliers: Story of Success (Những kẻ xuất chúng: Câu chuyện của sự thành công). Nói một cách chính xác nhất thì, Gladwell không kể những câu chuyện thành công mà kể câu chuyện của những cơ hội.

Mái tóc xoăn tít dựng ngược, gương mặt gày gò ngộ nghĩnh, Malcom Gladwell có cái thần của một đứa trẻ nghịch ngợm hơn là một tác giả sách nghiên cứu đã 45 tuổi. Trông ông như một đứa trẻ ham khám phá, hay táy máy, lục lọi mọi thứ để tìm hiểu về thế giới xung quanh.

Người làm sao của chiêm bao làm vậy. Malcom Gladwell giữ nguyên cái nhìn trẻ thơ đó trong những cuốn sách của ông. Mỗi cuốn sách là một cuộc khám phá vào một thế giới chưa biết, một cuộc phiêu lưu đầy tò mò và lý thú nhằm kiếm tìm quy luật từ những sự kiện, hiện tượng tưởng như không liên quan. Gladwell viết sách non-fiction (phi hư cấu) mà đọc nhiều đoạn tưởng ông đang viết tiểu thuyết.

Có lẽ một phần vì vậy, nên sách của Gladwell luôn nằm trong danh sách bán chạy nhất. Ông là một trong số rất ít những tác giả phi hư cấu có được cái diễm phúc là: người đọc mong chờ mỗi cuốn sách mới của ông. Người ta chỉ chờ đợi điều gì khi họ biết chắc rằng ở đó luôn chứa đựng điều mới mở, không ai hồi hộp mong chờ những cái đã cũ. Gladwell được đón đọc bởi ông luôn nói những điều mới mẻ theo những cách thức mới mẻ.

Trong cuốn sách mới nhất có tên Outliers (Những kẻ xuất chúng), Gladwell lại một lần nữa làm được điều đó.

Món quà mang tên Cơ Hội

Trong vô số những cuốn sách, bài báo viết về những người thành đạt, ta bao giờ cũng bắt gặp một câu chuyện có phần na ná như nhau. Một “người hùng” trưởng thành từ môi trường gian khó, nhưng bằng nỗ lực và trí tuệ phi thường đã vượt qua bao giông gió để vươn tới thành công. Từ chủ tịch các tập đoàn lớn tới các chính trị gia lỗi lạc, từ văn nghệ sỹ tới các nhà khoa học lừng danh, câu chuyện thành công của họ bao giờ cũng nằm trong một khuôn mẫu đã cũ, thành công là kết quả của những yếu tố mang tính cá nhân.

Thành đạt đồng nghĩa với giỏi giang, thông minh, trí tuệ, tài năng, đam mê, chăm chỉ, kiên định, quyết tâm… còn những kẻ thất bại thiếu một vài hoặc tất cả các yếu tố đó. Những kẻ xuất chúng (outliers) đương nhiên có tố chất ăn đứt những kẻ ngoài rìa (outsiders)

Với Outliers, Gladwell khẳng định rằng thực tế không hoàn toàn như vậy. Ông tìm cách xóa bớt lớp son phấn mà những người kể chuyện đã tô vẽ lên khuôn mặt những người thành đạt. Hóa ra, khoảng cách giữa outliers và outsiders đôi khi chỉ mong manh đến mức một cái kim cũng chui lọt.

Ngôi sao khúc côn cầu Canada Scott Wasden có cơ hội tham gia trận chung kết lịch sử chỉ đơn giản vì anh ta sinh vào… tháng Giêng. Nếu không may sinh vào tháng 12 thì có lẽ anh ta đã ngồi ngoài đường biên để xem trận đấu. Ngôi sao của chương trình Ai là Triệu Phú Chris Langan với chỉ số IQ lên tới 197 lại chỉ ngồi nhà “chăn ngựa”… Gladwell kể lại những câu chuyện lạ lùng với những diễn giải lạ lùng chỉ để chứng minh cho chúng ta rằng: thành công là câu chuyện của những cơ hội chứ không đơn giản phụ thuộc vào năng lực cá nhân.

Từ Bill Gates, Bill Joy tới ban nhạc The Beatles, Gladwell truy tìm dấu vết của những cơ hội độc nhất vô nhị, những may mắn lạ kỳ mà họ có được để thành công. Gladwell viết: “Chúng ta đều biết những kẻ thành công như những cây sồi vươn lên từ những hạt mầm cứng cỏi. Nhưng liệu chúng ta có hiểu biết đủ nhiều về thứ ánh sáng mặt trời đã sưởi ấm cho chúng, về thứ đất đai mà trong đó chúng cắm sâu bộ rễ, và cả những con thỏ hay thợ rừng mà chúng đủ may mắn tránh thoát.”

Có không ít những cây sồi nảy sinh ra từ những quả sồi cứng cáp không kém, nhưng chúng đã thiếu mất môi trường và sự may mắn để vươn lên. Cũng có không ít những cá nhân có đầy đủ tố chất để thành công nhưng họ không thành đạt bởi những lý do tương tự. Những truy dấu của Gladwell minh chứng rằng “thành công đúng hơn là một món quà, kẻ xuất chúng là những người được trao tặng các cơ hội…”, tất nhiên, họ phải “đủ nội lực và trí não để nắm bắt các cơ hội ấy…”

Lực đẩy từ cộng đồng và xã hội

Outliers đương nhiên vẫn bán chạy như những cuốn trước của Gladwell nhưng có vẻ như nó bị chỉ trích nhiều hơn. Một số tờ báo nổi bật ở Mỹ và Anh phê bình phương pháp luận của Gladwell, cho rằng ông đơn giản hóa hiện thực phức tạp bằng những quy luật và kết luận “như đúng rồi”. Số khác nhận định cuốn này của Gladwell dựa trên chỉ một số ít dẫn chứng chỉ của nước Mỹ và những dẫn chứng đó lại dễ bị lái theo logic tư duy chủ quan của tác giả. Tờ Austin American-Stateman còn gọi cuốn này là “sự kiệt quệ rõ ràng trong phương pháp luận ưa thích” của Gladwell.

Thật ra không khó lắm để tìm ra một vài dẫn chứng để phản biện lại các kết luận của Gladwell. Ví dụ, Gladwell cho rằng ban nhạc Beatles thành công một phần quan trọng do họ có được cơ hội vàng để chơi nhạc liên tục 8 tiếng một ngày trong suốt thời gian dài ở Hamburg. Hơn 10 000 giờ biểu diễn đó đã giúp Beatles có được sự thành thục và phong cách khác hẳn các ban nhạc khác. Nhưng có rất nhiều ban nhạc như ABBA, Modern Talking.. không có được cơ hội Hamburg sao họ vẫn thành công?

Nhiều chỉ trích nhắm vào Outliers không phải không có lý. Chỉ có điều, Gladwell không viết một cuốn sách để công bố những kết luận mang tính khoa học. Gladwell chỉ khảo sát nhiều công trình văn hóa, tâm lý và xã hội học của người khác để viết ra những cuốn sách mang các thông điệp bất ngờ, lạ lẫm và đầy thách thức. Gladwell là một nhà truyền thông bậc thầy chứ không phải một nhà khoa học bậc thầy.

Gladwell viết ra nhiều ý tưởng trong Outliers và mỗi cá nhân có thể rút ra những bài học rất khác nhau sau khi đọc sách. Nhưng khi được hỏi thực chất thì ông muốn nói gì trong cuốn Outliers, Gladwell đã trả lời: “Những gì cộng đồng, xã hội có thể làm cho mỗi cá nhân cũng quan trọng không kém những gì họ tự làm cho chính bản thân mình. Thông điệp tưởng đã cũ mòn đó vẫn chứa đựng chân lý mạnh mẽ.”

Nếu như một cuốn sách hay là cuốn sách khiến người đọc phải thay đổi suy nghĩ và nhìn nhận thế giới này theo một nhãn quan mới thì Gladwell đã thành công với Outliers, cuốn sách nổi bật thứ 3 của ông. Bắt đầu với Điểm bùng phát viết về những sự kiện phi thường, tiếp theo là Trong chớp mắt viết về những khoảng khắc phi thường và lần này là Những kẻ xuất chúng hay những con người phi thường, có thể coi Gladwell là nhà nghiên cứu những hiện tượng phi thường. Điều phi thường nhất là Gladwell luôn khiến người đọc phải chờ đợi những cuốn sách phi thường mới của ông.

Khánh Duy

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2009

Sân Golf, truyền thông và chính quyền

Quyết định xóa sổ 10 sân golf vừa qua đã cho thấy sự tương tác hợp lý giữa chính quyền, truyền thông và lợi ích của người dân.

Hồi tháng 4, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ ngành rà soát lại việc quy hoạch sân golf, đồng thời đánh giá lại hiệu quả các sân golf đã được cấp phép đầu tư.

Tuần này, UBND thành phố Hà Nội quyết định xóa sổ 10 sân golf trong địa bàn thủ đô, bao gồm cả những dự án đình đám như Khu luyện tập thể thao và vui chơi giải trí Mễ Trì, Khu sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây, Sân Temple Lake Golf & Resort Chương Mỹ, Khu sân golf – resort – vui chơi giải trí cao cấp Hồ Cầm Quỳ.

Như vậy, từ chỉ đạo của thủ tướng tới quyết định dừng đầu tư một loạt những sân golf của lãnh đạo Hà Nội chỉ trong vòng 4 tháng. Khoảng thời gian không dài, và chắc chắn để đưa ra được quyết định đó, trong suốt 4 tháng qua, chính quyền đã liên tục tham vấn các Bộ, ngành, các chuyên gia đặc biệt là từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Rất nhiều bộ phận đã đóng góp vài thành công của chính sách trên, một phần trong đó không thể không kể tới vai trò của truyền thông. Trong vụ việc với sân golf, truyền thông và chính quyền đã có sự tương tác hợp lý theo đúng những nguyên tắc, cách thức chuẩn mực của xã hội dân chủ.

Theo lý thuyết hiện đại, truyền thông có thể tác động tới kết cục chính trị theo 3 cách: sàng lọc, thiết lập kỷ luật và thu hút sự quan tâm chính trị.

Sàng lọc

Sàng lọc là quá trình truyền thống giúp soi rọi vào những góc khuất của xã hội, tấn công nhằm loại bỏ những chính khách hoặc chính sách chưa tốt. Trong vụ việc với sân golf, báo chí đã chỉ ra khá rõ ràng dự án sân golf nào chiếm quá nhiều đất công và ảnh hưởng tới những công trình khác.

Lấy sân golf Mễ Trì làm ví dụ, dự án này đã được báo chí “mổ xẻ” khi chiếm tới 26,8ha đất ngay gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Quyết định “nhồi nhét” một sân golf vào khu vực trung tâm của một thủ đô chật chội trong khi Hà Nội đang “thừa” sân golf là một bất hợp lý đã được các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư lên tiếng phản biện công khai trên các phương tiện truyền thông.

Những phản biện đó đóng vai trò “sàng lọc”, góp tiếng nói với chính quyền loại bỏ dự án Mễ Trì ra khỏi danh sách được đầu tư.

Thiết lập kỷ luật

Thiết lập kỷ luật là một vai trò quan trọng khác của truyền thông trong quá trình tác động tới quyết định chính trị. Lấy trường hợp sân golf làm ví dụ: các cơ quan truyền thông đã đồng loạt lên tiếng về hiện tượng chủ đầu tư xin đất làm sân golf nhưng thực chất để xây dựng trong đó những biệt thự, resort để bán hoặc cho thuê.

Dự án xây sân golf cuối cùng lại là dự án bất động sản “núp” dưới những mỹ từ rất kêu “khu đô thị sinh thái”. Hãy để ý những tên sân golf đã bị dừng đầu tư theo quyết định vừa rồi của lãnh đạo Hà Nội, chúng ta có thể thấy điều đó: Khu du lịch đô thị sinh thái và sân golf Phú Mãn (Cty XNK tổng hợp Hà Nội); Khu đô thị du lịch sinh thái và sân golf Long Biên (Cty CP Vincom); Sân golf 36 lỗ kết hợp công viên cây xanh và khu du lịch Thanh Trì (Cty TNHH Sản xuất kinh doanh XNK Bình Minh Bitexco).

Ngoài ra, câu chuyện sân golf lấn chiếm đất nông nghiệp của nông dân, khiến không ít gia đình mất tư liệu sản xuất, phải sống vất vưởng bằng những nghề không phù hợp với sở trường đã được phản ánh nhiều và tới được “tai” những người có thẩm quyền.

Khi quyết định xem xét lại các dự án sân golf, lãnh đạo Hà Nội đã đề ra nguyên tắc chung “hạn chế tối đa việc sử dụng đất lúa”. Và trong các dự án bị xóa sổ vừa rồi, người ta thấy có tên những dự án dự tính sẽ “siêu lấn lúa” như Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu với 198,2 h, Temple Lake golf & resort với 97,51 ha “lấn lúa”.

Loại bỏ những dân golf chiếm đất nông nghiệp để đầu cơ bất động sản là chính là quá trình “thiết lập kỷ luật”, quá trình ấy có tác động không nhỏ của giới truyền thông.

Thu hút sự quan tâm chính trị

Câu chuyện sân golf nóng trên nhiều mặt báo đã đưa sân golf trở thành vấn đề trung tâm của những tranh luận chính trị, là thước đo để nhân dân nhìn nhận cách hành xử của chính quyền. Nhóm dân cư bị tổn thương bởi những dự án sân golf phải được chú ý và đưa vào chương trình chính trị.

Một số bài báo còn đặt vấn đề quyết liệt khi cho rằng, quá nhiều sân golf xa xỉ là sự thể hiện ra bên ngoài khoảng cách giàu nghèo trên thực tế, tạo ra khoảng cách giàu nghèo, phân biệt đối xử trong tâm lý số đông quần chúng thu nhập thấp. Điều này bất lợi cho uy tín chính trị của chính quyền.

Quyết định xóa sổ 10 sân golf vừa rồi cho thấy chính quyền đã có những phản ứng lại nhạy bén và hợp lý để giữ uy tín và chiếm lại tình cảm của người dân. Còn truyền thông đã đóng vai trò cung cấp thông tin, dẫn dắt vấn đề để chính quyền đi tới quyết định ấy. Sự tương tác hai chiều đó rất hợp lý trong một xã hội dân chủ, và truyền thông đã làm tốt vai trò giám sát của mình.

Khánh Duy

Tập đoàn: “Săn hai thỏ, về tay không”

Các nhà bình luận đã nói nhiều tới những bất cập của mô hình mở rộng tập đoàn Việt Nam dưới góc độ kinh tế vĩ mô. Nhưng, hãy thử nhìn đổi góc nhìn sang vi mô để xem liệu chiến lược mở rộng ấy có hiệu quả hay không?

Bức tranh còn nhiều mảng tối


Báo cáo kết quả giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vừa được trình lên Quốc hội cho biết: hiệu quả sử dụng vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa tương xứng với quy mô, vị trí và vai trò của các thực thể đó trong nền kinh tế.

Tới 25% số đơn vị báo cáo có mức lợi nhuận âm hoặc dưới 5%, 47,2% số đơn vị báo cáo có mức lợi nhuận dưới 10%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng làm ăn kém hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trong số đó, không thể không kể tới việc các thực thể nói trên đầu tư tràn lan sang các lĩnh vực “ăn xổi ở thì” khác như chứng khoán, bất động sản…

Có tất cả 47 tập đoàn, tổng công ty tham gia đầu tư vào lĩnh vực này với tổng số vốn đầu tư vào cuối năm 2006 lên tới 6 nghìn 434 tỷ đồng, cuối năm 2007 là 16 nghìn 190 tỷ đồng và cuối năm 2008 là 21 nghìn 164 tỷ đồng.

Kết quả là, càng đầu tư, hiệu quả càng không cao. Tính đến 31/12/2008, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty đều không phát sinh lợi nhuận hoặc lỗ từ những khoản đầu tư vào chứng khoán và góp vốn quỹ đầu tư. Thực tế đó góp phần làm “ốm yếu” thêm thể trạng các tập đoàn.

Câu chuyện các tập đoàn đầu tư tràn lan không hiệu quả, làm phức tạp thêm bức tranh kinh tế vĩ mô và gây khó khăn phần nào cho nhà nước trong việc quản lý nền kinh tế đã được đề cập quá nhiều và không còn gì mới nữa.

Bây giờ, hãy thử đặt một vấn đề theo hướng khác? Từ nội tại bản thân mỗi tập đoàn, tại sao họ lại có xu hướng mở rộng như vậy và làm như thế có mang lại hiệu quả hay không xét từ giác độ chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Những phân tích dưới đây dựa trên giả định lãnh đạo các tập đoàn đưa ra quyết định trên cơ sở duy lý, nghĩ tới lợi ích của doanh nghiệp. Tuy trên thực tế, trong nhiều trường hợp không hoàn toàn như vậy.

Mở rộng hay đi vào ngõ cụt

Al Ries, một nhà nghiên cứu về chiến lược công ty, đã từng có một ví von thú vị rằng công ty như cái tủ quần áo, một vài tuần sau khi sắp xếp lại ngăn nắp, nó lại rối beng lên. Hay nói cách khác, các tập đoàn thường có xu hướng thích mở rộng “lung tung” sang các mảng khác nhau.

Thập niên 80, 90 ở Mỹ có thể coi là thập niên mở rộng của các tập đoàn. Lịch sử thành bại của các tập đoàn trong giai đoạn này đã cho thấy nhiều bài học giá trị. Kết luận rút ra từ những phi vụ mở rộng đình đám trong giai đoạn ấy chốt lại ở câu: “Các tập đoàn đừng cố gắng ăn trọn cái bánh quá lớn so với miệng họ. Đừng nghĩ rằng cỏ xanh hơn khi nhìn từ bên kia hàng rào.”

Một ví dụ kinh điển vẫn được giảng dậy trong các trường kinh doanh là trường hợp của Xerox. Công ty này thời đó đang dẫn đầu thị trường về máy photocopy. Thế rồi, đầu thập niên 1990, Xerox quyết định đa dạng hóa bằng việc cung cấp thêm các dịch vụ tài chính dưới cái tên: “The Xerox Financial Machine”. Được hai năm, đến năm 1992, hệ thống tài chính này sụp đổ và Xerox gánh khoản lỗ 778 triệu đô-la.

Năm 1985, chủ tịch tập đoàn Chrysler tuyên bố về sự ra đời của một đế chế với 4 công ty thành viên với các loại hình kinh doanh riêng biệt: Chrysler Motor (chuyên về ôtô), Chrysler Aerospace (không gian), Chyrsler Financial (chuyên cung cấp dịch vụ tài chính) và Chrysler Technologies (chuyên về kỹ thuật). Cuối cùng, tất cả biến thành một trò hề, chủ tịch Lee Iacocca thời đó của tập đoàn xe hơi danh tiếng này rốt cục đã phải thừa nhận việc mở rộng là sai lầm lớn nhất đời ông.

Có thể tìm được vô số ví dụ như vậy trong lịch sử kinh doanh của các tập đoàn Mỹ. IBM mua Rorn năm 1984 rồi bán đi năm 1989. Coca-cola mua lại Columbia Pictures năm 1982 rồi bán đi năm 1989… Có thể nói rằng đa số hoạt động mở rộng dẫn các tập đoàn tới ngõ cụt.

Ít hơn là nhiều hơn

Các tập đoàn trên thế giới cũng có xu hướng mở rộng bởi những lý do của nó. Họ muốn tận dụng thương hiệu, khả năng vốn, khả năng sản xuất, khả năng marketing, tiềm năng khách hàng… Tóm lại họ có nhiều khả năng để có thể tạo ra nhiều lợi nhuận hơn ở những mảng kinh doanh khác. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng, những khả năng đó không phải lúc nào cũng mang lại sự thành công lâu dài cho doanh nghiệp.

Bài học từ những thập niên mở rộng trong quá khứ đã khiến cho các tập đoàn giờ đây tập trung hơn vào ngành kinh doanh chính. Cũng có những tập đoàn kinh doanh đa ngành nhưng các công ty con với tên thương hiệu riêng biệt và độc lập mạnh với công ty mẹ về mọi mặt.

Ngay cả khi chỉ mở rộng một dòng sản phẩm trong mặt hàng kinh doanh chính, doanh nghiệp cũng phải cân nhắc mọi nhẽ thiệt hơn. Chúng ta đều biết rằng khi tập đoàn Toyota mở rộng sang mảng xe hơi cao cấp, họ chọn một thương hiệu riêng biệt Lexus, độc lập về nhiều mặt với hãng mẹ. Honda cũng làm vậy với thương hiệu xe hơi cao cấp riêng biệt Acura.

Mở rộng hoàn toàn không phải trò chơi duy ý chí của những kẻ nghiệp dư, đó là sự toan tính đặc biệt cẩn trọng và khoa học của các chủ tịch tập đoàn. Mọi chiến lược mở rộng đều phải được tham mưu bởi các nhà tư vấn chiến lược chuyên nghiệp, dày dặn kinh nghiệm, những người luôn hiểu rằng: trong kinh doanh đôi khi nhiều hơn lại là ít hơn và ít hơn lại là nhiều hơn.

Các tập đoàn nổi tiếng thế giới đã phải trả giá đắt để học được bài học rằng Tập Trung là yếu tính của thành quả kinh tế và Mở Rộng cần được thực hiện theo một lộ trình đặc biệt. Còn những tập đoàn Việt Nam đang mở rộng với những động cơ và cách thức không theo logic thông thường (chúng tôi sẽ phân tích điều này ở một bài báo khác).

Các tập đoàn đó đã quên hay cố tình quên những bài học về sự Tập trung, bài học xương máu đã được Khổng Tử đúc kết từ 2500 năm trước: “Kẻ nào săn cùng một lúc hai con thỏ ắt sẽ trở về tay không.”

Khánh Duy

(*) Các ví dụ về Tập đoàn Mỹ lấy từ cuốn Focus của tác giả Al Ries