Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2008

Những cuốn sách của ông hoàng “cởi truồng"




Tui ngồi buồn nên nghiên cứu về hiện tượng mua sách nhưng hok đọc, viết bài này tự trào. Anh e nào quan tâm đọc chơi. Chán qué!

Những cuốn sách của ông hoàng “cởi truồng”

Theo lẽ thường, người ta mua cái gì về cũng để sử dụng. Mua đĩa nhạc tất nhiên là để nghe, mua đĩa phim tất nhiên là để xem. Duy chỉ có sách, người ta mua về nhưng nhiều khi không… đọc!

Từ chuyện hoàng đế “cởi truồng”

Ai đọc truyện cổ Andersen chắc đều biết câu chuyện về ông hoàng “cởi truồng”. Xin tóm tắt lại một chút như sau: Có một ông hoàng nọ rất mê mặc quần áo đẹp. Có 2 tên bợm đến nói rằng sẽ may cho đức vua một bộ quần áo đẹp nhất thế gian nhưng chỉ có những người thông thái mới nhìn thấy bộ quần áo còn những kẻ ngu dốt thì không. Vì không ai muốn mang tiếng là dốt nát nên từ quan tới dân, hàng ngàn người đều tung hô vẻ đẹp tuyệt diệu của “bộ quần áo” nọ mặc dù đức vua vẫn “cởi truồng” đi dạo khắp thành phố.

Đó là câu chuyện ngụ ngôn của ngày xưa. Còn ngày nay, cũng có hàng ngàn thậm chí hàng vạn người mua sách mặc dù “không đọc”. Hiện tượng này diễn ra phổ biến ở rất nhiều quốc gia chứ không chỉ riêng ở xứ sở hình chữ S Việt Nam. Ở Mỹ, người ta gọi những cuốn sách bán rất chạy nhưng ít người đọc đó là: “G.U.B.’s” (Great Unread Books)

Mua thì nhiều, mà đọc chẳng bao nhiêu

Theo điều tra của Mỹ thì cuốn sách bán ra nhiều nhất nhưng lại có ít người đọc nhất là tác phẩm nổi tiếng của nhà vật lý Stephan Hawking: “Lược sử thời gian.” Cuốn sách này bán tới gần 9 triệu bản trên toàn thế giới. Nhưng khi được hỏi về nội dung cuốn sách này, rất nhiều người mua mới thừa nhận là “chưa đọc”. Không chỉ “Lược sử thời gian” mà rất nhiều cuốn sách kinh điển khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, đặc biệt là những cuốn có giá trị học thuật cao, số trang nhiều và tất nhiên là… khó đọc với đa số.

Không dễ để đánh giá một cách chính xác người mua có đọc cuốn sách mình mua hay không. Nhưng một số cơ quan đã thử làm một vài thí nghiệm và điều tra. Bắt đầu vào năm 1985, tờ Nền Cộng Hoà Mới đã thử đặt 70 phiếu thưởng tiền vào một vài tựa sách được bán trong các hiệu sách lớn ở thủ đô Washington. Các tựa sách đều được người dân Washinton tuyên bố là hay đọc. Kết quả đáng ngạc nhiên, không có người nào cầm phiếu thưởng tới lĩnh tiền. Năm nay, theo một điều tra của Hiệp hội Bảo tàng, Thư viện và Lưu trữ Anh Quốc thì có tới 33% người trưởng thành thừa nhận đã nói dối rằng đã đọc một cuốn sách chỉ để tỏ ra mình “thông thái”.

Cái gì tồn tại thì hữu lý

Cũng không khó để tìm ra lý do giải thích tại sao người ta cứ mua sách nhưng không đọc. Chuyện mua sách liên quan khá nhiều đến yếu tố tâm lý chứ không hẳn xuất phát từ nhu cầu. Hầu hết những người bán sách, làm sách và thường xuyên mua sách đều thống nhất với nhau rằng đôi khi sở hữu một cuốn sách quan trọng hơn đọc nó. Người ta vẫn cứ mua những cuốn sách kinh điển chỉ vì nó là… kinh điển và đã là kinh điển thì họ phải có để đặt trên giá sách của mình. Nhiều người mua những cuốn sách để tặng người khác dù chính bản thân họ chưa đọc, đơn giản chỉ để “chứng tỏ” học vấn của mình và cũng là cách để “tôn vinh” người được tặng.

Mua sách thì dễ nhưng đọc và nghiền ngẫm hết một cuốn sách thì chẳng đơn giản chút nào. Thời gian là hữu hạn và người ta dành đa số thời gian đó cho đủ loại việc từ đi làm, ăn uống, trông trẻ, xem TV và vô số việc vặt vãnh khác. Ước tính một người đọc thường xuyên và nghiêm túc cũng chỉ dành khoảng 1 tiếng ngày thường và 2 tiếng ngày nghỉ cho việc đọc sách. Và các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, trừ những người đặc biệt, rất ít người trong chúng ta có thể đọc nhiều hơn 300 từ trong một phút mà vẫn hiểu. Cứ căn cứ vào đó mà suy thì thấy số lượng sách chúng ta có thể đọc trong quỹ thời gian của mình hạn chế như thế nào.

Thế cho nên, số lượng sách được xuất bản và bán ra vẫn tăng đều mỗi năm và tất nhiên là số lượng sách… không được đọc cũng tăng đều như thế. Ở Việt Nam, một số trí thức tâm huyết đề xướng dự án Tủ sách Tinh Hoa, chọn dịch những trước tác kinh điển, hàn lâm của các học giả từ cổ chí kim ra tiếng Việt với mong muốn tạo nền tảng tri thức vững mạnh cho dân tộc. Nhưng với số lượng bản in ra đã hết sức khiêm tốn, số lượng người mua thực sự đọc, nghiền ngẫm những tác phẩm khó đó chắc chắn càng khiêm tốn hơn. Thế nên có lẽ ảnh hưởng của những cuốn sách được ra mắt không đáp ứng được lòng mong mỏi và công sức bỏ ra của những người đề xướng và thực hiện Tủ sách.

“Anh cứ mua, nhưng anh đừng đọc nhé…”

Có một giai thoại về cựu tổng thống Mỹ Ronald Keagan. Trong một lần tiếp chuyện với nhà kinh tế lỗi lạc đoạt giải Nobel Friedrich Hayek, với một thái độ hết sức khiêm cung, ông Keagan đã nói với nhà kinh tế như sau: “Rất nhiều người đã khen ngợi tầm quan trọng của những cuốn sách mà ngài đã viết.” Nhưng có một điều chắc chắn rằng ông Keagan chưa bao giờ đọc cuốn nào của Hayek.

Chuyện giả vờ đã đọc một cuốn sách như ông Keagan hay mua sách chất đầy lên giá để chứng tỏ mình “học rộng” rõ ràng là hài hước. Nhưng so sánh nó với chuyện tán thưởng ông vua “cởi truồng” để chứng tỏ mình không ngu dốt như trong phần đầu bài viết thì có phần hơi khiên cưỡng. Công bằng mà nói, đa số những người mua sách (dù đọc ít hay đọc nhiều) cũng có mục đich tốt và biết coi trọng giá trị của tri thức. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, khi người ta dễ dàng tiêu vài trăm thậm chí vài triệu cho một bữa ăn hay một cuộc chơi nhưng rất đắn đo nếu tiêu vài trăm vào việc mua sách, khi số lượng người chủ động tìm mua những cuốn sách có giá trị còn ít, những người mua sách thường xuyên đó chính là “cứu cánh” cho những người làm xuất bản sách. Cho dù họ đọc được bao nhiêu phần trong cuốn sách thì cũng có thể thấy rằng chính họ đang giúp duy trì ngành xuất bản sách còn khó khăn ở Việt Nam.

Thế cho nên, chuyện những cuốn sách của ông hoàng “cởi truồng” ngày nay không hẳn đã giống với chuyện chiếc áo choàng của ông hoàng “cởi truồng” ngày xưa. Nếu Andersen có sống lại để viết truyện châm biếm hiện tượng này thì có lẽ ông sẽ vẫn phải kết thúc truyện bằng cách nhại lại lời một bài hát: “Anh CỨ MUA, nhưng anh đừng đọc nhé…”